Lượt xem: 2361
Thành tựu Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh
11/03/2022
Năm 1992, từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng, mạng lưới trường, lớp học còn nhỏ lẻ, phân tán, giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều trường còn phải học 3 ca nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giáo viên, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Sóc Trăng đã đi vào ổn định và từng bước phát triển, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên, cơ sở vật chất trường, lớp được chú trọng đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia tăng nhanh; công tác phổ cập giáo dục các cấp học được giữ vững, tỷ lệ tốt nghiệp trung học ổn định, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học tăng dần theo từng năm học. Với sự cố gắng của toàn ngành, năm 2002, ngành giáo dục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng II và nhiều phần thưởng cao quý khác trong những năm tiếp theo.
Sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, mạng lưới trường lớp học trong tỉnh được sắp xếp ổn định và có qui mô hợp lý. Tổng số trường học toàn tỉnh năm học 2021 - 2022 là 487 trường, tăng 265 trường với năm học 1992 - 1993 (trong đó, Mầm non 133 trường, tăng 119 trường; Tiểu học 204 trường, tăng 73 trường; THCS 110 trường, tăng 35 trường; THPT 40 trường, tăng 29 trường); trong đó chưa kể các trường chuyên biệt như 01 Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, 01 trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, 01 trường Cao đẳng Cộng đồng, 01 trường Cao đẳng Nghề, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố. Phần lớn các trường đã được xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa, không còn tình trạng học ca 3. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 355/487 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 76,18%, tăng 52,61% so với năm 2012; trong đó: Mầm non đạt 88/133, tỷ lệ 74,58%, tăng 59,4%; Tiểu học đạt 162/204, tỷ lệ 80,20%, tăng 53,62%; THCS đạt 80/110, tỷ lệ 74,77%, tăng 45,57%; THPT đạt 25/40, tỷ lệ 64,10%, tăng 58,22%. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đạt 84,85% tăng 13,25% so với năm 2012.
Tổng số lớp học phổ thông đầu năm học 2021 - 2022 là 6.782 lớp, tăng 1.324 lớp học so với năm 1992; trong đó, tăng mạnh ở lớp THCS là 1.481 lớp và 616 lớp THPT.
Tổng số giáo viên trực tiếp giảng dạy đầu năm học 2021 - 2022 là 14.264 giáo viên, tăng 8.652 so với năm học 1992 – 1993; trong đó, giáo viên mầm non là 2.404 người, tăng 2.139 người so với năm 1992; TH là 6.091 người, tăng 2.091 người; THCS là 4.028 người, tăng 2.944 người và THPT là 1.741 người, tăng 1.478 người). Bên cạnh việc tăng nhanh về số lượng, đa số giáo viên đều đạt chuẩn hóa. Theo số liệu thống kê năm 2016, giáo viên toàn ngành đạt chuẩn 100%. Cụ thể: toàn ngành có 19.179 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động hợp đồng, trong đó: cán bộ quản lý là 1276, giáo viên là 15.389, nhân viên và người lao động hợp đồng là 2.514 người. Trong đó, bậc Mầm non có 306 cán bộ quản lý, 2.168 giáo viên (đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 68,5%), 568 nhân viên và người lao động hợp đồng; Cấp Tiểu học có 602 cán bộ quản lý, 6.693 giáo viên (đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 69,7%), 1.046 nhân viên và người lao động hợp đồng; Cấp THCS có 221 cán bộ quản lý, 4.525 giáo viên (đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 65%), 618 nhân viên và người lao động hợp đồng; Cấp THPT có 144 cán bộ quản lý, 1.924 giáo viên (đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 9,28%), 266 nhân viên và người lao động hợp đồng. Toàn ngành có 05 Tiến sĩ, 212 Thạc sĩ, 68 giáo viên đang học Thạc sĩ, 10 giáo viên đang học nghiên cứu sinh. Mặt khác, số sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng sư phạm, trung học văn hóa nghệ thuật, các lớp đại học sư phạm tại chức,...hàng năm đã cung cấp đáng kể số lượng giáo viên qua đào tạo cho ngành giáo dục.
Tổng số học sinh đầu năm học 2021 - 2022 là 265.118 học sinh (HS), tăng 73.948 HS so với năm học 1992 – 1993; trong đó, mầm mon là 46.279 em, tăng 28 40.968 em; TH là 118.829 HS, giảm 34.217 HS; THCS là 70.267 HS, tăng 41.502 HS và THPT là 29.743 HS, tăng 25.695 HS). Tỷ lệ giáo viên/lớp học từ 0,97 GV/lớp năm 1992 tăng lên 1,70 GV/lớp năm 2021. Tỷ lệ học sinh phổ thông/vạn dân năm 1992 là 1.704 HS/vạn dân tăng lên 2.197 HS/vạn dân.
Giáo dục chuyên nghiệp phát triển với nhiều hình thức đào tạo. Trường Cao đẳng cộng đồng, Cao đẳng nghề,...vừa trực tiếp giảng dạy, vừa liên kết các trường đại học tuyển sinh các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Số học sinh, sinh viên đang đào tạo dài hạn và tại chức tại các trường, trung tâm năm 2021 là 2.267 người, gấp 1,24 lần năm 1995; trong đó, đào tạo trung cấp 1.111 người, cao đẳng là 1.156 người.
Năm 1999, toàn tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được các mục tiêu về công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, từ tháng 12/2008 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị củng cố và duy trì tốt thành tích đã đạt được để có thể tiến đến thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông trong những năm tiếp theo.
Theo ông Châu Tuấn Hồng – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GDĐT Sóc Trăng cho biết, để có được những thành tựu đáng tự hào nêu trên là do sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm phấn đấu của toàn thể cán bộ, giáo viên cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Đồng thời, trong giai đoạn tiếp theo, ngành GDĐT tiếp tục, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành; rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đổi mới cơ chế quản lí, công tác quản lí và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, qui định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng bộ phận, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó người đứng đầu chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu, nắm vững các văn bản chỉ đạo của ngành, phát huy vai trò tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cấp về những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tại đơn vị, có quyết định quản lí khoa học dựa trên căn cứ rõ ràng, khắc phục tình trạng giao khoán việc cho cấp phó mà trưởng đơn vị mơ hồ. Các cá nhân theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
|